Tìm hiểu về lễ Vu Lan trong triết học Phật Giáo 

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu, thường được tổ chức vào dịp rằm tháng 7 hàng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn của đấng sinh thành. Người Việt theo đạo đức học của Phật giáo về đạo hiếu, đạo làm con, về nghĩa vụ, bổn phận chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ. Triết lý đạo đức của lễ Vu lan hòa quyện với đạo hiếu của dân tộc, tạo nên nét độc đáo của văn hóa truyền thống người Việt Nam. Cùng Viễn Chí Bảo tìm hiểu về lễ Vu Lan trong triết học Phật Giáo qua bài viết dưới đây nhé!

Lễ Vu Lan báo hiếu 

Lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo được tổ chức vào Rằm tháng Bảy Âm lịch hàng năm. Lễ Vu Lan đã hòa quyện với Đạo hiếu dân tộc Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc củng cố đạo lý uống nước nhớ nguồn, đặc biệt là việc hiếu kính đối với ông bà và cha mẹ.

Lễ Vu Lan ngày nay không chỉ dừng lại là ngày lễ của tín đồ đạo Phật mà còn trở thành ngày hội của tình thương yêu con người dành cho tất cả mọi người dân Việt Nam. Mùa Vu lan – Báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. 

Theo truyền thống, Lễ Vu Lan báo hiếu sẽ diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm. Tính theo Dương lịch thì lễ Vu Lan 2023 sẽ diễn ra vào thứ Sáu, ngày 30/08/2023 (15/7 Âm lịch).

Nghi lễ thả đèn hoa đăng trong ngày lễ Vu Lan 

Nội dung cơ bản của lễ Vu Lan trong triết học Phật giáo 

Vu Lan (盂 蘭), là từ viết tắt của chữ Vu – Lan – Bồn (盂 蘭 盆). “Theo phép nước Tây Trúc vào ngày tự tứ của các tăng, đặt cỗ bàn linh đình, dâng cúng Phật tăng để cứu cái khổ treo ngược (đảo huyền) của người đã mất”(1).

Kinh “Vu – Lan – Bồn tức là bữa tiệc cúng Phật và chư tăng để cầu phúc cho ông bà cha mẹ, cầu cho hồn người thác ở nơi âm cảnh khỏi bị treo ngược”(2). Xuất phát từ ý nghĩa đó cho thấy kinh Vu – Lan – Bồn là kinh báo hiếu được tổ chức vào ngày Rằm tháng Bảy hàng năm. 

“Vu – Lan – Bồn kinh nói về ngài Mục Kiền Liên là đệ tử của đức Phật vừa đắc đạo liền nhớ tới công ơn cha mẹ. Ngài ngó xuống cõi âm thấy cha mẹ mình đang bị treo ngược vô cùng cực khổ. Ngài đem cơm xuống cho mẹ nhưng bà chẳng ăn được”(3). Bởi 

Lòng bỏn xẻn tiền căn chưa dứt,

Sợ chúng ma cướp dựt của bà.

Cơm đưa chưa tới miệng đà,

Hóa thành than lửa nuốt mà đặng đâu.”(4)

Mục Kiều Liên hỏi đức Phật cách cứu gỡ,

Phật mới bảo rõ ràng căn cội,

Rằng mẹ ông gốc tội rất sâu.

Dầu ông thần lực nhiệm mầu,

Một mình không thể ai cầu được đâu.

Do vậy, “Đức Phật dạy ngài muốn cứu vớt mẹ phải đến ngày Rằm tháng Bảy, khi có đủ chư tăng đại đức hội về làm tiệc mà cúng Phật và khoản đãi chư tăng. Dựa vào sức lành của các ngài mà siêu độ được vong linh, làm cho cha mẹ bà con hiện còn sống được thêm phúc đức”(5). Mỗi năm đến Rằm tháng Bảy, “đem trăm thức phẩm vật dâng cúng Tam Bảo thì sẽ cứu được cha mẹ của bảy đời”(6). Đức Phật khuyên các đệ tử về sau nên giữ lệ cúng Phật, Tăng trong ngày Rằm tháng Bảy để báo hiếu cha mẹ.

Ngày Rằm tháng Bảy mỗi năm,

Vì lòng hiếu thảo ơn thâm phải đền.

Làm theo lời Phật dạy

Lễ cứu tế chí thành sắp đặt,

Ngõ cúng dường chư Phật chư Tăng.

Ấy là báo đáp, thù ân,

Sinh thành dưỡng dục song thân buổi đầu,

Ðệ tử Phật, lo âu gìn giữ,

Mới phải là Thích tử Thiền môn,

Vừa nghe dứt pháp Lan Bồn,

Môn sinh tứ chúng thảy đồng hỷ hoan,

Mục Liên với bốn ban Phật tử,

Nguyện một lòng tín sự phụng hành.

Khi thực hiện đúng lời Phật dạy, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Từ đó về sau tín đồ Phật giáo đã duy trì gọi Rằm tháng Bảy hàng năm là ngày lễ Vu Lan hay còn gọi là lễ báo hiếu. Theo quan niệm Phật giáo, báo đáp đạo hiếu cho đấng sinh thành không chỉ lúc cha mẹ còn sống mà còn phải báo đáp ngay cả khi cha mẹ đã mất.

Sự tương đồng của lễ Vu Lan trong triết học Phật giáo với đạo hiếu của người Việt Nam

Phật giáo truyền vào Việt Nam đã hòa quyện vào văn hoá nói chung và đạo hiếu của người Việt Nam nói riêng. Trong truyền thống của người Việt Nam rất đề cao đạo hiếu, điều đó được thể hiện trên nhiều bình diện khác nhau.

Sự tương đồng của lễ Vu Lan trong triết học Phật giáo với đạo hiếu của người Việt Nam được thể hiện ở những nét sau: 

(1) Đối với cha mẹ lúc còn sống phận làm con phải biết kính trọng đối với đấng sinh thành. Lúc còn nhỏ phải vâng lời cha mẹ, chăm chỉ học hành, giúp cha mẹ những công việc vừa sức, lớn lên phải biết phụng dưỡng cha mẹ. 

(2) Khi cha mẹ không còn phải biết nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục bằng cách sống tốt ở đời và tưởng nhớ đến cha mẹ bằng cách thờ cúng. 

Trong cuộc sống mỗi con người chúng ta không chỉ biết ơn những người đang cưu mang mình mà còn phải tưởng nhớ công ơn của những người đã khuất, từ những đấng sinh thành từ vô lượng kiếp đến những người có công vì nước, vì dân đã hy sinh đền nợ nước, những đồng bào tử nạn, những oan hồn không có người cúng tế chịu nhiều đau khổ nơi địa ngục.

Ý nghĩa của lễ Vu Lan trong triết học Phật giáo 

Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, không chỉ có ý nghĩa với người theo đạo Phật, mà đây còn là ngày lễ truyền thống của người Việt Nam. Vậy ý nghĩa của Lễ Vu Lan trong triết học Phật giáo như sau: 

Thứ nhất, lễ Vu Lan mang ý nghĩa giáo dục lòng nhân ái của con người, khơi mở lòng từ bi độ lượng trong mối quan hệ giữa con người với con người và con người với các loài vật xung quanh. Ngày nay, ngày lễ Vu Lan đã có sức lan tỏa lớn và góp phần không nhỏ trong việc giáo dục đạo đức con người. Với những ý nghĩa đó lễ Vu Lan được nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia.

Thứ hai, lễ Vu Lan có ý nghĩa nhắc nhở mọi người báo hiếu cho cha mẹ. Trong giáo lý đạo Phật luôn đề cao các mối quan hệ của con người trong xã hội, nổi bật nhất là mối quan hệ cha mẹ và con cái. Việc báo hiếu của con cái đối với cha mẹ phải được thể hiện bằng những hành động thiết thực tùy theo sức của mình khi cha mẹ còn sống, đây là giá trị lớn nhất của ngày lễ Vu Lan.

Thứ ba, lễ Vu Lan mang ý nghĩa góp phần khắc sâu vào tâm của người dân Việt Nam đạo lý uống nước nhớ nguồn. Trong những năm gần đây ở Việt Nam, lễ Vu Lan ngày càng được tổ chức quy mô, trọng thể. Ngày lễ Vu Lan đã trở thành “ngày hội hiếu” của tín đồ phật tử và của nhân dân. Đây chính là tinh thần nhân văn cao cả trong triết lý nhân sinh của đạo Phật được người dân Việt Nam đón nhận một cách trân trọng nhất.

Qua bài viết, Viễn Chí Bảo đã giới thiệu đến bạn đọc về lễ Vu Lan trong triết học Phật giáo, đây là văn bản được Tạp chí nghiên cứu Phật học, ra mắt vào số tháng 7/2016. 

Chú thích:

  1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 1546- 1547.
  2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 1547.
  3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 1547.
  4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2010), Kinh Vu Lan và báo hiếu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 15.
  5. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 1547.
  6. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phân viện nghiên cứu Phật học (2012), Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 1547.

Nhập tên sản phẩm bạn muốn tìm

[search style="flat" size="large"]

BỘ LỌC